Tin tức

Tổng cục Thủy sản sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 

Ngày 4/7/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã tham dự và có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.
Tổng cục Thủy sản sơ kết 6 tháng đầu năm 2019

Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,5% (kế hoạch cả năm là 4,69%). Tổng sản lượng thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,85 triệu tấn, tăng 5,2%; sản lượng nuôi trồng đạt 1,91 triệu tấn, tăng 6,8%. So với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng đạt 101,3%, trong đó sản lượng khai thác 101,5%, sản lượng nuôi 100,7%. So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 46,6% (cùng kỳ 6 tháng 2018 đạt 47,6%); trong đó sản lượng khai thác đạt 50% (cùng kỳ đạt 50,4%), sản lượng nuôi trồng đạt 43,5% (cùng kỳ đạt 44,8%).

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 4 tỷ USD, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD.

Về nuôi trồng, trong 6 tháng đầu năm cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản xuất được 64,9 tỷ tôm PL (trong đó tôm sú là: 15,5 tỷ; tôm thẻ chân trắng: 49,4 tỷ) tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018), cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Mặc dù giá thành sản xuất tăng do các yếu tố đầu vào tăng, nhưng các cơ sở sản xuất vẫn giữ ổn định giá bán để hỗ trợ người nuôi ở mức ổn định từ 70-120 đồng/con. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 667 nghìn ha, bằng 102,3% so cùng kỳ 2018 và 92% kế hoạch năm 2019. Trong đó, diện tích tôm sú khoảng 590 nghìn ha, bằng 101%, diện tích tôm thẻ chân trắng khoảng 77 nghìn ha, bằng 108%. Sản lượng thu hoạch ước đạt 289,7 nghìn tấn, bằng 108,8% so cùng kỳ và đạt 33,7% so với kế hoạch cả năm 2019. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt khoảng 112,3 nghìn tấn, bằng 106,7% cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng đạt 177,4 nghìn tấn, bằng 110,2% cùng kỳ năm 2018.

Đối với cá tra, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ); diện tích ương gần 3.000 ha (bằng 100% so với cùng kỳ năm 2018), sản xuất được hơn 1,5 tỷ cá tra giống. Giá cá tra giống tương đối ổn định, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích nuôi lũy kế đạt 3,9 nghìn ha,   tăng 6,8% cùng kỳ 2018 và đạt 72,2% kế hoạch cả năm 2019. Sản lượng thu hoạch đạt 684 nghìn tấn, bằng 107,5% so với cùng kỳ 2018 và đạt 45,2% kế hoạch cả năm.

Tình hình nuôi trồng các đối tượng khác (cá rô phi, nhuyễn thể, tôm hùm, cá nuôi truyền thống) phát triển tốt, nuôi cá biển tiếp tục được đẩy mạnh. Ước 6 tháng đầu năm, sản lượng nhuyễn thể đạt 150 nghìn tấn, cá rô phi 100 nghìn tấn, cá biển 30.000 tấn, rong biển, tảo biển 90.000 tấn.

Trong 6 tháng đầu năm, thời tiết biển thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản; các nghề lưới kéo đạt hiệu quả sản xuất ở mức trung bình so với cùng kỳ năm 2018; nghề lưới vây ổn định; nghề lưới rê có sản lượng khai thác giảm; nghề chụp mực, câu cá ngừ đại dương đạt hiệu quả khá. Tổng sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng ước đạt 1,88 triệu tấn (tăng 6,2% so với năm 2017), trong đó khai thác biển đạt 1,79 triệu tấn, khai thác nội địa 84 nghìn tấn. Đến nay, toàn quốc có 96.600 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó 47.448 có chiều dài từ 6-12m, 18.687 tàu cá có chiều dài từ 12-15m, 27.865 tàu cá có chiều dài từ 15-24m, 2.618 tàu cá có chiều dài >24m. Tàu cá vỏ gỗ chiếm tỉ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới. Số lượng tàu cá phân theo nhóm nghề khai thác chính như: Nghề lưới kéo 18.763 chiếc, chiếm 19,0%; nghề lưới vây 6.556 chiếc, chiếm 6,8%; nghề lưới rê 34.931, chiếm 36,16%; nghề câu 15.728 chiếc, chiếm 16,3%; tàu dịch vụ hậu cần 3.217 chiếc, chiếm 3,3%; các nghề khác 17.904, chiếm 18,5%.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: 6 tháng đầu năm nay ngành Nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, dịch tả Châu Phi, sâu keo mùa thu, Trung Quốc siết chặt nguồn gốc và an toàn thực phẩm nông sản, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và hàng rào bảo hộ thương mại tại một số quốc gia nhập khẩu. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 ngành Nông nghiệp bắt đầu có những thuận lợi mới từ các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA cùng với quyết tâm của lãnh đạo Bộ, doanh nghiệp, nông dân nên 6 tháng đầu năm ngành Nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả tốt trong tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu.

Tuy 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả đáng khích lệ, song 6 tháng còn lại năm 2019, ngành Thủy sản đứng trước 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, để phát huy hiệu quả và đi vào thực tiến đỏi hỏi phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, bởi việc từ nghề cá nhân dân chuyển sang hoạt động theo khung pháp lý đầy đủ và theo đúng thông lệ quốc tế là cả một quá trình bài bản, lâu dài. Thứ hai, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,7%, đòi hỏi ngành phải nỗ lực, chủ động hơn nữa, đặc biệt là cần sự quyết tâm, đoàn kết của toàn bộ hệ thống. Thứ ba, chỉ còn vài tháng nữa thôi Hội đồng Châu Âu EC sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ thẻ vàng, trong khi chúng ta mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu phải quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng.