Tiền Trung Quốc giảm giá, thủy sản Việt Nam chao đảo
(PL)- Trung Quốc giảm nhập tôm, cá từ Việt Nam khi đồng nhân dân tệ của nước này liên tục mất giá.
Trung Quốc (TQ) là một trong bốn thị trường nhập nhiều nhất thủy sản Việt Nam (VN) với trị giá trên 1 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có dấu hiệu tuột dốc.

Bên cạnh những nguyên nhân như TQ siết chặt thương mại mậu biên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm xáo trộn thị trường thì đồng nhân dân tệ (NDT) của TQ mất giá cũng là yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến sự sụt giảm trên.

Hàng trăm doanh nghiệp chịu thiệt

Theo hãng tin Bloomberg, chỉ riêng trong tháng 5, đồng NDT đã giảm giá khoảng 2,5% và đây là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7-2018. Với mức giảm này, NDT là đồng tiền mất giá mạnh nhất tại khu vực châu Á trong tháng 5, có lúc 6,9217 NDT mới đổi được 1 USD.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết việc đồng NDT mất giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản VN. Bởi đồng NDT mất giá đồng nghĩa hàng xuất khẩu sang TQ của VN gặp khó do thanh toán bằng đồng USD, khiến hàng Việt nhập vào thị trường này có giá bán cao, khó được khách hàng TQ chấp nhận. Hệ quả là lượng thủy sản xuất khẩu sang nước này của VN sẽ giảm.

Đáng lo nhất là thủy sản VN bị đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Ấn Độ vượt mặt, trong đó mặt hàng tôm ảnh hưởng nhiều nhất. Ấn Độ đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn nhờ lợi thế giá thành thấp hơn, trong khi đồng rupee của nước này cũng bị phá giá sâu so với USD nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng tiền VN. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang TQ và VN sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

“Các nhà nhập khẩu TQ xu hướng sẽ lựa chọn tôm Ấn Độ giá rẻ thay vì tôm VN trong thời gian gần đây, khiến cho xuất khẩu tôm VN bị sụt giảm liên tục từ năm ngoái đến nay. Với các yếu tố không thuận lợi như hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản VN sang thị trường TQ trong năm nay sẽ rất khó khăn” - ông Lĩnh lo lắng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN Trương Đình Hòe cho biết hiện nay có hơn 150 công ty Việt tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường TQ. Việc đồng NDT mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của tiền đồng VN khiến giá hàng hóa xuất khẩu từ VN, trong đó có các mặt hàng thủy sản sang TQ sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của VN.

“Việc một số lượng đáng kể doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường TQ bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản xuất khẩu nói chung” - ông Hòe nói.

Tiền Trung Quốc giảm giá, thủy sản Việt Nam chao đảo - ảnh 1
Tôm và  tra chiếm tới 80% sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc. Ảnh: GIA TUỆ

Khai thác lợi thế để giảm thiệt hại

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận khi đồng tiền TQ mất giá sẽ ảnh hưởng đến VND. Điều đáng lo lúc này không chỉ là hàng hóa Việt xuất khẩu sang TQ gặp khó mà còn vì hàng hóa TQ giá sẽ rẻ hơn tràn sang nước ta.

 

Riêng đối với thủy sản, TQ  sẽ giảm nhập tôm, cá vì giá hàng VN đắt lên. Thậm chí một số mặt hàng thủy sản thế mạnh của TQ, được nuôi trồng với giá thành rẻ sẽ được xuất sang VN. Vì vậy, doanh nghiệp thủy sản VN cần tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để giữ thị trường nội địa.

Tuy vậy, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho rằng bên cạnh mặt tiêu cực, việc đồng NDT mất giá cũng có thể mang lại những mặt lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản VN. Đó là khi giá hàng hóa VN cao, các nhà nhập khẩu TQ sẽ giảm dần việc đưa thương lái nước này qua tranh mua nguyên liệu thủy sản với các công ty VN. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp VN thiết lập lại vùng nguyên liệu, gắn kết với nông dân để có nguồn nguyên liệu xuất khẩu ổn định.

 “Đúng là thị trường TQ rất lớn với thủy sản VN nhưng lượng hàng xuất khẩu chính ngạch vẫn chủ yếu là cá tra, tôm, còn lại nhiều mặt hàng được nhập vào nước này theo con đường tiểu ngạch. Vì vậy các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu, xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thêm nhiều thị trường, phân bổ đều để hạn chế ảnh hưởng từ thị trường TQ” - ông Lĩnh nói.

Đồng quan điểm, một số doanh nghiệp khác cho rằng dù đồng NDT mất giá nhưng nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ VN cũng vẫn rất lớn khi TQ giảm nhập khẩu nhiều loại thủy hải sản từ Mỹ. Hơn nữa, nhiều loại thủy sản Việt được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - TQ đang hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Do vậy, nếu doanh nghiệp VN biết khai thác lợi thế này thì sẽ giảm được những thiệt hại do đồng tiền TQ mất giá.

Cổ phiếu ông lớn thủy sản Việt đỏ sàn

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, quý I-2019, xuất khẩu tôm, cá tra VN sang TQ đều giảm. Trong đó, tôm giảm 15%, cá tra giảm gần 2%. Chính vì vậy, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 239 triệu USD. Tôm và cá tra chiếm tới 80% sản lượng thủy sản xuất khẩu của VN vào TQ.

Việc xuất khẩu sang TQ giảm khiến cổ phiếu nhóm ngành thủy sản liên tục đỏ sàn. Đơn cử, cổ phiếu của Công ty Vĩnh Hoàn có ba phiên giảm liên tiếp và hiện ở mức giá khoảng 90.600 đồng/cổ phiếu. Cũng giảm điểm mạnh liên tiếp vài phiên gần đây là cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I. Đây là công ty xuất khẩu cá tra xếp thứ ba tại VN và TQ cũng là một thị trường của doanh nghiệp này.

Tác động hai mặt đến Việt Nam

Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, một số ngành xuất khẩu chủ lực của VN có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Những mặt hàng này chủ yếu là hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện…

Tuy vậy, khi TQ không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào TQ sẽ giảm. Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của VN sang TQ. Những điều chỉnh trên sẽ khiến nhập siêu của VN từ TQ tăng lên.