Tin tức

Thời tiết nhiều biến động gây bất lợi cho tôm nuôi

Thời tiết nhiều biến động gây bất lợi cho tôm nuôi
Tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng nóng sẽ giúp xáo trộn nước, qua đó sẽ tránh hiện tượng phân tầng trong ao, đảm bảo ôxy hòa tan.
 

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay đang vào giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa nên lượng mưa hàng ngày rất lớn, điều kiện môi trường có nhiều biến động gây bất lợi cho tôm nuôi.

Theo kết quả giám sát dịch bệnh các năm qua, đây là thời điểm tôm thiệt hại do yếu tố môi trường cao nhất, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Người nuôi gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, quản lý các yếu tố môi trường trong ao, tôm thường giảm ăn, chậm lớn, sức đề kháng cho tôm giảm, dịch bệnh đốm trắng, gan tụy thường xảy ra.

Theo đó, tính đến ngày 4-5-2019, đã có hơn 677ha tôm nuôi bị thiệt hại (trong đó, tôm sú 133,7ha, tôm thẻ 543,9ha), chiếm 4,2% tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ, cao hơn 48,9ha so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân thiệt hại đến nay chủ yếu do các yếu tố môi trường, do bệnh gan tụy, bệnh đốm trắng và bệnh phân trắng. Một số vùng nuôi có thiệt hại nhiều trong thời gian qua, như: xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung), Lai Hòa, Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu), Trung Bình (Trần Đề), Gia Hòa 1, Ngọc Đông (Mỹ Xuyên)... cần theo dõi điều kiện môi trường, dịch bệnh trước khi thả giống mới.

Ngoài ra, để quản lý vùng nuôi và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn chuyển sang mùa mưa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019 của ngành nông nghiệp; thường xuyên theo dõi thông tin về điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường, khi nào môi trường nuôi thật sự ổn định mới thả giống, nên thả giống rải vụ trong suốt vụ nuôi. Nên chọn tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm dịch của cơ quan chức năng; kiểm tra các tác nhân gây bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và các bệnh nguy hiểm khác. Phải điều chỉnh các yếu tố pH, độ mặn, kiềm... giữa ao nuôi và trong bể ương tôm không quá chênh lệch tránh gây sốc tôm khi thả. Nên áp dụng mô hình nuôi hai giai đoạn, nuôi ít thay nước, hoặc nuôi kết hợp cá rô phi, nuôi cá rô phi trong ao lắng...

Cũng theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nên thả tôm giống cỡ lớn (tôm thẻ từ post phải từ 10 trở lên, tôm sú từ post phải từ 12 trở lên); mật độ thả phù hợp (tôm thẻ từ 60 - 80 con/m2, tôm sú từ 20 - 25 con/m2). Đồng thời tăng cường quản lý ao nuôi, giữ các yếu tố môi trường nuôi ổn định, như: pH 7,5 - 8,5 dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị; độ kiềm 120 - 160 mg/l, thường xuyên kiểm tra hàm lượng khí độc và định kỳ diệt khuẩn nhằm kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi. Tiến hành bón vôi quanh bờ ao trước khi trời mưa; sau khi mưa nhiều có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt để tránh sự biến động độ mặn trong ao. Nước mưa có tính axit vì vậy khi một lượng lớn nước mưa xuống ao, hồ sẽ làm giảm độ pH ao nuôi. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra pH trong ao, nếu thấy pH chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 - 20kg/100m2, nếu độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 - 30kg/1.000m3. Nếu độ kiềm thấp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống.

Trong những ngày gần đây đã xuất hiện nhiều cơn mưa, nếu tình trạng mưa kéo dài dễ xảy ra hiện tượng sụp tảo, chính vì vậy bà con nuôi tôm nên sử dụng định kỳ men vi sinh; thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu khí độc, nhất là các ao nuôi thẻ trên 1 tháng tuổi để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những ao có mực nước thấp, chất lượng nước dễ biến động lớn sau những cơn mưa, cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,2m - 1,5m. Ngoài ra tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng nóng sẽ giúp xáo trộn nước, qua đó sẽ tránh hiện tượng phân tầng trong ao, đảm bảo ôxy hòa tan lớn hơn 4mg/l. Thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng, dấu hiệu bất thường của tôm để có biện pháp phòng ngừa; đặc biệt là nhận biết dấu hiệu mắc bệnh của tôm trong mùa mưa để phòng bệnh kịp thời. Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn; giảm khoảng 20% - 30% lượng thức ăn khi trời mưa bởi vì nhiệt độ thấp tôm sẽ giảm bắt mồi. Tăng cường sức đề kháng cho tôm, bổ sung các vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, chất tăng cường hệ miễn dịch vào thức ăn cho tôm, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường đáy ao và hạn chế sự phát sinh mầm bệnh. Hạn chế dùng kháng sinh thường xuyên để phòng bệnh; không sử dụng kháng sinh cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế sự xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, như: kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới ngăn chặn cua còng xâm nhập vào ao nuôi, đuổi chim, cò...

Nếu xảy ra trường hợp tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, người dân tuyệt đối không xả thải ra môi trường kênh rạch bên ngoài ao nuôi; đồng thời phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly và khai báo ngay cho chính quyền địa phương và thú y xã, phường để được hướng dẫn biện pháp xử lý mầm bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh kịp thời.