Trong báo cáo tháng 5/2019, FAO dự báo sản lượng thủy sản toàn cầu năm 2019 đạt 177,8 triệu tấn, tương đương với năm 2018, trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác năm 2019 dự kiến giảm khoảng 3,4% do sản lượng cá cơm giảm, sản lượng cá tuyết, cá thu, bạch tuộc ở mức thấp. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2019 dự báo tăng khoảng 4% so với năm 2018. Cung/cầu đối với một số loài thủy sản nuôi trồng như cá hồi và thủy sản 2 mảnh vỏ cân bằng, trong khi nguồn cung tôm, cá chẽm dồi dào đang gây áp lực lên giá. 

Thương mại thủy sản toàn cầu năm 2017 và 2018 được hỗ trợ bởi giá cao và nhu cầu tốt, nhưng những yếu tố tích cực này đã mất đi trong năm 2019. Ngành thủy sản toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều thách thức trước căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và EU, cùng với Brexit khiến kinh tế toàn cầu năm 2019 tăng trưởng chậm lại.

Nhiều thị trường xuất khẩu thủy sản lớn, đặc biệt là ở châu Á, dự kiến sẽ giảm xuất khẩu trong năm 2019. Trung Quốc, nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới sẽ bị tác động bởi căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Về nhu cầu nhập khẩu, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ các tháng đầu năm 2019 không khả quan, trong khi nhập khẩu ở các nước đang phát triển chậm lại, nhưng vẫn tích cực.

 

Toàn cảnh thị trường thủy sản đầu tháng 6 năm 2019.
             Ảnh minh họa

 

Ở In-đô-nê-xi-a: Năm 2019, sản lượng cá tra ở In-đô-nê-xi-a được dự báo sẽ tăng 20% để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Ở Nhật Bản: Từ tháng 6/2019, Bộ Y tế Nhật Bản đã quyết định tăng cường kiểm tra sản phẩm cá bơn và các loại thủy sản khác nhập khẩu từ Hàn Quốc. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết sẽ kiểm tra 40% lượng thủy sản nhập khẩu đã đăng ký, gấp đôi so với mức kiểm tra 20% hiện tại. Từ tháng 6/2019, Nhật Bản cũng sẽ tăng cường kiểm tra 3 loài thủy sản có vỏ và cầu gai nhập khẩu từ các nước. 

Ở Thái Lan: Theo Tập đoàn Siam Canadian Group, với 38 triệu lượt du khách tới Thái Lan trong năm 2018, tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa Thái Lan đang ngày càng tăng. Lượng tôm tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 15% trong tổng sản lượng tôm của Thái Lan (khoảng 270.000 - 300.000 tấn), tương đương 40.000 - 45.000 tấn. Tỷ lệ này tăng so với mức 5% trong khoảng thời gian sản lượng tôm Thái Lan đạt 600.000 tấn, tức là tăng khoảng 15.000 tấn trong khoảng 5 năm vừa qua.

Thị trường thủy sản trong nước

Tuần kết thúc ngày 19/6/2019, giá nguyên liệu thủy sản tại An Giang và Cà Mau ổn định so với tuần trước đó. Theo đó, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang giao dịch ở mức 20.500 - 22.000 đ/kg; giá tôm thẻ chân trắng tại Cà Mau ổn định ở mức 85.000 - 108.000 đ/kg, giá tôm sú ổn định ở mức 183.000 - 286.000 đ/kg.

Về xuất khẩu: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6/2019, xuất khẩu thủy sản đạt 345,08 triệu USD, giảm 21,5% so với 15 ngày cuối tháng 5/2019 và giảm 4,7% so với 15 ngày đầu tháng 6/2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2019, xuất khẩu thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Về nhập khẩu: Nhập khẩu thủy sản 15 ngày đầu tháng 6/2019 đạt 78,2 triệu USD, giảm 4,6% so với 15 ngày cuối tháng 5/2019 và giảm 2% so với 15 ngàyđầu tháng 6/2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2019, nhập khẩu thủy sản đạt 807,9 triệu USD, tăng 3,9% sovới cùng kỳ năm 2018.