Tin tức

Thị trường cá tra hết ‘nóng’ rồi ‘lạnh’

Đó là thực tế đang diễn ra đối với ngành hàng cá tra. Giá cá nguyên liệu từ 36.000 đồng/kg rớt xuống còn 21.700 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá lỗ ít nhất 2.000 đồng/kg, bởi giá thành nuôi trong vụ này từ 23.700 đồng trở lên. Thất bại thảm hại, nhiều nông dân chuyển sang nuôi cá sặc bổi, cá lóc, cá trê…

Cung vượt cầu

Gia đình ông Nguyễn Văn Nở (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) có 3 đời chuyên làm nghề sản xuất cá tra giống. Từ năm 1997 đến nay, gia đình ông Nở đã bao lần “lên bờ, xuống ruộng” chỉ vì sự “nóng”, “lạnh” của thị trường cá tra. 3ha đất ruộng ông sắm để làm của hồi môn cho các con lần lượt bán đi để trả nợ ngân hàng. Thị trường cá tra hết “nóng” rồi “lạnh” đã làm cho những người tham gia ngành hàng này ngày càng nghèo đi. Có người vẫn bám trụ ở lại bằng hình thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp, người không có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp rời bỏ con cá tra, chuyển sang nuôi cá sặc bổi, cá lóc, cá he.

Hiện, cá giống của gia đình ông Nở đã quá cỡ 30 con/kg vẫn chưa bán được. “Cá thịt rớt giá làm cho cá giống rớt theo. Hiện mẫu 30 con/kg, thương lái mua 20.500 đồng/kg, nhưng sản lượng phải từ 15 tấn trở lên (bầy lớn). Bầy cá dưới 15 tấn giá chỉ còn 19.500 - 20.000 đồng/kg (tùy vào vị trí hầm cá có thuận tiện trong việc vận chuyển hay không). Cá rớt giá, người nuôi kêu thương lái cũng trần ai…” - ông Nở thông tin.

Nhiều hộ bán tháo cá tra giống

Nguyên nhân của tình trạng cá thịt lẫn cá giống rớt xuống dưới giá thành sản xuất là do sản lượng nuôi “cung vượt cầu”. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích, thời điểm những năm 2000 - 2007, cả ĐBSCL sản lượng cá tra thịt mỗi năm ở mức 1-1,2 triệu tấn/năm. Bước sang năm 2017 - 2018 (thời điểm giá cá tra phục hồi mạnh), sản lượng nuôi của cả vùng ĐBSCL tăng lên 1,4 triệu tấn. Cơ sở sản xuất giống nhiều vô kể, đến khi thị trường cá thịt gặp “sóng gió” thì tất nhiên giá rớt, tình trạng thua lỗ xảy ra. Hiện có đến 20% nông dân nuôi tự do, không có liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ, chính con số này đã làm cho thị trường cá tra vốn đã “rung lắc” nay lại “chao đảo” thêm.

Cần tiếng nói chung

Đi tìm tiếng nói chung của những người trong cuộc chính là trọng tâm của việc ra đời Hiệp hội Thủy sản An Giang (vào những năm 2001, 2002). Hiệp hội ra đời nhằm tập hợp hội viên chuyên nuôi, chế biến xuất khẩu, hội viên chuyên cung cấp các dịch vụ ngành cá vào một tổ chức, mục đích để làm ngành hàng cá tra phát triển mang tính ổn định và bền vững. Ý tưởng, cách làm thì tốt nhưng vì sao đến nay, tiếng nói của hiệp hội đối với hội viên trong ngành chưa mang tính thuyết phục, từ đó nhiều người tham gia hoạt động có tính chất cầm chừng. “Nhiều người tham gia vào hiệp hội cứ mãi suy nghĩ, vào là để bán cá được giá hơn, hưởng được nhiều quyền lợi hơn so với những người bên ngoài, chứ không có “thành ý” vào đây để cùng nhau xây dựng hiệp hội - một tổ chức mang tính ngành nghề để ngành hàng này mạnh lên, bền vững hơn. Vào là để vay vốn ngân hàng cho dễ, giá bán cá được cao… Chính động lực tham gia hiệp hội như thế nên tổ chức này đến nay vẫn chưa mạnh, tiếng nói chưa mang tính thuyết phục” - ông Nguyễn Hữu Khánh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh) phân tích.

Ngoài tổ chức mang tính hiệp hội ngành nghề, thời gian qua, để nghề nuôi và chế biến cá tra phát triển mang tính ổn định và bền vững, mô hình “Chuỗi liên kết dọc cá tra” của Công ty TNHH SX TM DV Thuận An ra đời. Chuỗi ra đời không được bao lâu thì người điều hành chuỗi đã “cao bay, xa chạy”, để lại một khối nợ khổng lồ cho ngành ngân hàng, ngư dân tham gia chuỗi. “Từ hiệp hội ngành hàng đến chuỗi liên kết dọc cá tra đã bộc lộ rõ nét tính chất cá nhân, chỉ nghĩ về cái riêng của mình là chính. Các thành viên tham gia vào 2 tổ chức này chưa thực sự vì cái chung, vì sự phát triển mang tính ổn định. Do vậy, tiếng nói của những tổ chức này chưa mạnh. Khi cá có giá, ai cũng đào ao nuôi, khi cá rớt giá thì kêu. Đương thời, cơ quan chức năng, hiệp hội khuyến cáo không ai nghe nên tình hình dẫn đến khó khăn là đúng. Chữ "tín" trong làm ăn rất quan trọng, ai cũng hiểu nhưng khi làm thì đắn đo...” - bà Nguyễn Thị Lệ Thu (xã Long Giang, Chợ Mới) phân tích.

Thị trường hết “nóng” rồi “lạnh” đã đưa đến nhiều hệ lụy khó lường, trước hết là tình trạng phá sản của hộ nuôi, doanh nghiệp sẽ xảy ra. Hiện, giá cá tra nguyên liệu lẫn cá tra giống trên thị trường đều dưới giá thành sản xuất. Những nông dân trong số 20% nuôi tự do đã liên tục kêu thương lái bán cá, từ đó làm cho tình hình thêm căng thẳng, trong khi nhiều nhà máy chế biến đã tăng tốc, mở hết công suất để chế biến nhưng do sản lượng cá bên ngoài quá nhiều, từ đó không có giải pháp nào khác hơn.