Tin tức

Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững

Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững
Lễ ký kết tham gia Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.
 

Tôm là một trong 5 sản phẩm có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Ngày 17/6, tại Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (tức Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng), Chương trình SeafoodWatch (chương trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường thuộc Thủy cung Vịnh Moterey, Hoa Kỳ) và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace, CEIP) tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản” và Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.

4 nhà mua Hoa Kỳ tham gia đợt này là Aramark, Bon Appettite, Santa Monica Seafoods, Fortune Fish&Gourmet và nhiều hệ thống phân phối lớn của Việt Nam đã có mặt tại Cà Mau để cùng tham gia vào ngày kết nối này.

Phát biểu tại Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tháng 2/2017, Thủ tướng đã tổ chức hội nghị chuyên đề để phát ngành tôm. Hội nghị đã xác định: mục tiêu là đưa ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của đất nước; xây dựng Cà Mau thành Thủ phủ của nơi nuôi, chế biến tôm chất lượng cao và xây dựng nhiều thương hiệu toàn cầu về tôm.

Hiện nay tỉnh Cà Mau có trên 30 nhà máy chế biến, với công suất khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó chế biến tôm là chủ yếu. Tỉnh đã xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái với diện tích gần 20 ngàn ha và đạt được nhiều chứng nhận quốc tế như ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Naturland...; giá tôm có chứng nhận bình quân cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia; trong đó thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.

Để hiện thực hoá chủ trương của Thủ tướng, ngày 17/6/2019, hội nghị được tổ chức nhằm kết nối kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu giữa các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và các doanh nghiệp thủy sản nước ngoài; kết nối tất cả các bên có liên quan đến chuỗi giá trị sản phẩm tôm để xây dựng và phát triển Liên minh tôm sạch Việt Nam. 

“Với sự nhiệt tình của các đối tác quốc tế, sự hỗ trợ tích cực của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Seafood Watch, sự quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và người nuôi tôm Cà Mau, tôi hy vọng Hội nghị của chúng ta hôm nay sẽ thành công tốt đẹp”, ông Sử phát biểu.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT khẳng định Bộ NNPTNT và Tổng cục Thủy sản đã có nhiều chính sách và những hoạt động hỗ trợ ngành tôm phát triển trong thời gian qua, huy động các nguồn lực tổng thể, tổng lực để duy trì kim ngạch xuất khẩu và phát triển ngành tôm Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, ngành tôm duy trì tốc độ tăng trưởng, duy trì hiện trạng diện tích nuôi, số doanh nghiệp, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu có giảm nhẹ, do tồn đọng thị trường tôm tại Nhật, EU, Mỹ. 

Ngoài ra, do sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà cung cấp trên thế giới…. Tổng cục Thủy sản đã tổ chức các buổi đối thoại cung cấp thông tin tại các thị trường nhằm minh bạch thông tin, bảo vệ các nhà xuất khẩu và đề nghị các quốc gia nhập khẩu đối xử công bằng, minh bạch với các nhà xuất khẩu tôm từ Việt Nam.

“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi cũng cam kết tham gia sâu sắc nhất để liên minh hoạt động hiệu quả, sản phẩm sạch được đưa tới thị trường lớn trong nước và trên thế giới”, ông Hải nói. 

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng (Ban IV) cho biết, tôm là ngành mà VN đặt nhiều mục tiêu. Thủ tướng đặt ra 2025 ngành tôm VN mang lại nguồn thu từ xuất khẩu là 10 tỷ USD. Trong thời gian qua, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi thấy mô hình của Seaffood Watch: Lấy tiêu chuẩn của thị trường để định hướng các nhà sản xuất.

Tôm Cà Mau sẽ đưa uy tín các nhà mua được nâng cao hơn, với phương châm thịnh vượng của nông dân và bảo vệ môi trường bền vững. Cà Mau và Chính phủ có thông điệp rõ ràng, không đánh đổi bất kể điều gì để lấy sự tăng trưởng. 

Ông Josh Madeira - Phụ trách chính sách bảo tồn biển, chuyên gia Seafood Watch (SFW- Mỹ), nói: “Chúng tôi cung cấp các công cụ để người dân hiểu được các sản phẩm bảo vệ môi trường như thế nào. Các tiêu chí của SFW dựa vào đánh giá của người tiêu dùng – đang đòi hỏi ngày một cao về các sản phẩm mang tính bảo vệ môi trường.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu vào Mỹ lớn và hơn 90% thị trường Bắc Mỹ yêu cầu thủy hải sản bền vững môi trường, trong khi tại Châu Âu tỷ lệ này là 75%.

Các đại diện nhà mua Mỹ tham dự cũng khẳng định con tôm nếu không có tuyên truyền cho người sản xuất thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng: “Chúng tôi sẵn sàng trả mức tăng hơn 10% khi có các sản phẩm tôm chất lượng cao và có chứng nhận”. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “Bộ quy tắc cụ thể là gì cho liên minh sẽ phải bàn bạc rõ, các bên có liên quan tham gia sẽ có quyền và nghĩa vụ liên quan như thế nào, hy vọng các bên liên quan sẽ cùng nhau thực hiện điều này với quyết tâm cao nhất”.

Ông Sử đề nghị tổ tư vấn xây dựng liên minh đã được UBND tỉnh ký quyết định thành lập, xây dựng kế hoạch làm việc chung của liên minh trong thời gian tới, tổ chức cuộc họp định kỳ tại Cà Mau để thúc đẩy quá trình hoạt động của Liên minh. “Cà Mau sẽ thường niên tổ chức diễn đàn này, nếu chưa tổ chức được diễn đàn này thì không xứng đáng với tên gọi là thủ phủ của ngành tôm Việt Nam”, ông Sử nói.

Tôm là một trong 5 sản phẩm có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam; năm 2018 giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm VN đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 4,0 tỷ USD.