Tin tức

Cần cú hích trong phát triển giống

 Nuôi trồng thủy sản đang ngày một phát triển, thế nhưng, yếu tố then chốt là con giống lại chưa theo kịp, cả về số lượng lẫn chất lượng. Để thúc đẩy nghề nuôi thương phẩm thủy sản, lĩnh vực sản xuất giống cần những bước đột phá mới.

Liên kết sản xuất cá tra 3 cấp đã bước đầu mang lại hiệu quả 

Cơ sở sản xuất nhiều…

Theo thống kế, cả nước hiện có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (khoảng 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống TTCT), sản lượng ước 120 tỷ con, cơ bản cung ứng đủ nhu cầu cho trên 720.000 ha diện tích nuôi cả nước. Về cá tra, với khoảng 230 cơ sở sản xuất giống, cung ứng trên 25 tỷ cá bột; hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích khoảng 2.250 ha, đảm bảo cung ứng hơn 2,5 tỷ con giống cho các vùng nuôi. Tổ chức thay thế đàn cá tra bố mẹ từng bước được cải thiện, hoạt động ương giống, nuôi cá thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát; liên kết sản xuất cá tra 3 cấp đã bước đầu mang lại hiệu quả…

Cùng đó, sản xuất giống nhuyễn thể (ngao/nghêu, hàu Thái Bình Dương, ốc hương, tu hài…); cá biển; cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi); tôm càng xanh và một số đối tượng thủy đặc sản khác được quan tâm phát triển, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nuôi. Năm 2018 lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhân tạo 3 loài cá tầm, gồm: cá tầm Nga, cá tầm Siberia và cá tầm Stelert, góp phần chủ động con giống phục vụ nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, theo PGS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, những năm qua, công tác sản xuất giống thủy sản nước ở nước ta có nhiều thành tựu, do nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ; người dân tham gia sản xuất thủy sản ủng hộ và đồng tình cao. Điều này cho thấy, các thành phần tham gia sản xuất thủy sản đều có chung nhận thức về nhu cầu giống là thật sự quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững các mô hình sản xuất giống và nuôi thủy sản. Điển hình là qua một số chương trình do Nhà nước đầu tư cho các viện/trường nghiên cứu về chọn giống cá tra, tôm sú, cá rô phi đỏ cùng một số đặc sản khác như cá chình…

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu NTTS I (RIA 1) - đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất giống thủy sản trên cả nước cùng các RIA 2, RIA 3, các trung tâm thủy sản khác chủ động nguồn con giống đưa giá trị sản phẩm NTTS đạt tốc độ tăng bình quân 17,1%/năm, trong đó vùng ĐBSH đạt 24,3%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 21,9%, trung du, miền núi phía Bắc 21,6%...

… nhưng chất lượng vẫn lo ngại

Thực tế cho thấy, NTTS nhất là vào thời điểm chính vụ lại thiếu hụt nguồn giống; mặc dù, trên cả nước có rất nhiều doanh nghiệp, trang trại sản xuất cung ứng giống có nhiều về số lượng nhưng lại chưa đồng đều về chất lượng, con giống trôi nổi, khó kiểm soát vẫn còn khá tràn lan cần có sự quan tâm hơn của các cơ quan quản lý. Điển hình như chất lượng và tỷ lệ sống của con giống còn khá thấp, các trang trại, cơ sở sản xuất, cung cấp con giống chất lượng cao đạt chuẩn mực về mặt quy mô, chất lượng công nghệ chưa có nhiều.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu con giống của người nuôi trong cả nước. Cụ thể, chất lượng giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra… được cải thiện nhiều; nhiều giống thủy sản mới đã được sản xuất thành công như cá rô phi lai xa, cá chép V1, cá nheo Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của KS Nguyễn Văn Chung, ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống còn nhiều hạn chế và đang bỏ qua các cơ hội phát triển do chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, thiếu giống bố mẹ chất lượng, thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật là nguyên nhân khiến cho việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong khâu sản xuất giống chưa thật sự hiệu quả. Việc đầu tư sản xuất giống thủy sản đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, gây dựng và duy trì đàn bố mẹ. Trong khi, đa phần các trại giống trên cả nước có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phát triển tự phát nên chất lượng con giống không cao hoặc không có khả năng sản xuất ra con giống.

Mặt khác, việc không chủ động được nguồn con giống tại chỗ cũng khiến cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng của người dân có nhiều bất lợi, phải chờ đợi, hoặc mua giống từ nơi khác, chất lượng giống bị hao hụt, không đảm bảo khiến cho chi phí sản xuất tăng cao…

Tạo sức bật mới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2018 đã nêu ba sản phẩm chính, chủ lực cần tập trung, ưu tiên với lĩnh vực NTTS năm 2019, đó là con tôm, cá tra và nuôi biển, nhuyễn thể. Trong đó, phải rà soát, quản lý chặt lĩnh vực sản xuất, cung cấp giống tôm, thức ăn thủy sản bởi số liệu thống kê cho thấy trên cả nước hiện nay có hàng nghìn cơ sở kinh doanh, cung cấp giống tôm rất khó kiểm soát chất lượng. Quản lý tốt con giống và thức ăn theo Thứ trưởng là tiền đề quan trọng, cơ bản để giải quyết được vấn đề chất lượng sản phẩm với sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, về lâu dài, chúng ta cần thực hiện tốt chiến lược về con giống vì đây là vấn đề quan trọng, đòi hỏi có sự đầu tư mang tính dài hơi. Để sản xuất và tiêu thụ cá tra đạt hiệu quả cao, một trong những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và siết chặt là khâu cá giống. Vấn đề lo ngại nhất của các doanh nghiệp và người nuôi cá là lo ngại gặp phải những cá giống bệnh, công nghệ ươm nuôi chưa áp dụng khoa học, kỹ thuật. Như chia sẻ của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, việc cải tiến chất lượng con giống là vấn đề cốt yếu; theo đó, cần tạo ra con giống trái mùa với công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh.

Bên cạnh những đối tượng nuôi chủ lực, tại nhiều địa phương cũng còn nhiều lợi thế cho phát triển các diện tích nuôi thủy đặc sản; tuy nhiên, nguồn con giống lại chưa đáp ứng được. Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, các đơn vị sản xuất con giống trên địa bàn chưa chủ động sản xuất được nhiều chủng loại giống cá đặc sản; trong khi, các loại cá truyền thống thời gian gần đây có chiều hướng giảm giá trị kinh tế. Theo đó, các đơn vị sản xuất cần nghiên cứu chủ động sản xuất các loại cá giống đặc sản như: Cá leo, cá lăng, cá lóc, tôm càng xanh, chạch... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và người tiêu dùng.

Để có thể chủ động cũng như nâng cao được chất lượng con giống thủy sản, theo các chuyên gia, cần khuyến khích các cơ sở sản xuất giống đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát giống, dịch bệnh thủy sản ở tất cả các khâu nhằm thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất và kinh doanh giống thủy sản để nâng cao chất lượng con giống khi đưa vào nuôi thả góp phần giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của người nuôi…